Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả.
Nguy hại khi sử dụng thuốc giả
Thuốc giả rất nguy hiểm, vì người bệnh không chữa được bệnh và không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả, có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Người dùng thậm chí có khả năng bị ngộ độc do trong thuốc giả có thể chứa nhiều thành phần kém chất lượng, kém tinh khiết, thậm chí tồn tại dư lượng các chất cấm, các kim loại nặng...
Các loại thuốc bổ sung vitamin kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không đạt được hiệu quả bổ sung như mong muốn.
Đối với những người bệnh mạn tính như rối loạn tiền đình, các bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, ung thư, hen suyễn, bệnh phế quản mạn tính cần sử dụng thuốc lâu dài, thậm chí suốt đời. Nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng sẽ không kiểm soát được bệnh, thậm chí đe dọa tính mạng.
Ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, thuốc giả khiến huyết áp và nhịp tim của họ không được kiểm soát, tình trạng xơ vữa mạch máu hay đông máu không được cải thiện… khiến cho bệnh nhân dễ gặp các biến cố tim mạch, tăng tỷ lệ phải nhập viện và tử vong.
Thuốc giả khi dùng cho người bệnh ung thư chắc chắn khiến bệnh tình nặng hơn và rút ngắn đáng kể thời gian sống thêm của họ. Tương tự, các thuốc trị đái tháo đường, tăng mỡ máu, gout… nếu bị làm giả sẽ khiến cho bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch.
Với bệnh nhân hen suyễn, ngoài việc dùng thuốc giãn phế quản để cắt cơn thì còn dùng corticoid dạng xịt tại chỗ kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng chậm để dự phòng cơn hen. Nếu các loại thuốc này là giả thì bệnh nhân có thể lên cơn suy hô hấp, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Trong các bệnh phổi mạn tính, ngoài các thuốc giãn phế quản, vai trò của kháng sinh là rất quan trọng trong dự phòng và điều trị bội nhiễm đường hô hấp. Nếu sử dụng phải kháng sinh giả thì hậu quả thật khôn lường, nhẹ thì kháng kháng sinh, nặng thì viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và có thể mất mạng.
Ngoài ra, thuốc giả cũng có thể bị lây nhiễm nấm hoặc các loại vi khuẩn bị ô nhiễm khác... có thể khiến người dùng bị dị ứng, hoặc kháng thuốc.
Làm thế nào để người tiêu dùng tránh mua phải thuốc giả?
Để tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý:
- Mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, uy tín; không nên mua hàng xách tay, các thuốc được bán trôi nổi trên mạng không được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng thuốc.
- Quan sát kỹ bao bì, hình thức của thuốc khi mua, nếu nghi ngờ nên hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Đặc biệt, cần cảnh giác với các thuốc có giá thấp bất thường.
- Chú ý đến số lô thuốc và hạn sử dụng. Các thông tin này trên thuốc giả thường bị làm mờ, khó đọc hoặc không thống nhất giữa bao bì và trên vỉ thuốc.
Sử dụng tem chống hàng giả để kiểm tra trước khi mua thuốc để đảm bảo không mua phải thuốc giả.