CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA
NGỘ ĐỘC DO VI KHUẨN CLOSTRIDIUM BOTULINUM
` Mặc dù nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành mà tình trạng ngộ độc thực phẩm trong những năm qua có xu hướng giảm, tuy nhiên nguy cơ ngộ độc vẫn còn rất cao. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện rải rác các ca bệnh ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân khác nhau như do vi sinh vật, hoá chất độc do bản thân thực phẩm có chất độc, do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất. Đặc biệt điều kiện thời tiết mùa hè đang tới gần, nhiệt độ môi trường thường xuyên ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Gần đây, ngày 20-5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã hội chẩn và phát hiện thêm 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc botulinum. Trước đó, ngày 13-5, một gia đình có 2 anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) và gia đình thứ 2 (bệnh nhân nam 45 tuổi) đều có khởi phát triệu chứng mắc và có tiền sử tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13-5. Trong đó, 2 anh em ruột có ăn bánh mì kèm với chả lụa của người bán dạo và bệnh nhân 45 tuổi nghi ngờ ăn một loại mắm để lâu ngày.
Trong các nguyên nhân gây ngộ độc, có thể kể đến nguyên nhân từ các Vi sinh vật, vi khuẩn như: Vi khuẩn Salmonella Shigella, E.coli,Rotavirus…; các ký sinh trùng Amip, sán lá gan, sán bò, trùng lông; các nấm mốc và nấm men, Candida. Nhưng đặc biệt quan tâm hơn cả là vi khuẩn Clostridium botulinum, trong điều kiện môi trường khắc nghiệt vi khuẩn này vẫn tồn tại ở mức độ cao và biến dạng vô cùng chắc chắn. Vi khuẩn này phân bố rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, chất thải tiết động vật, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày. Khi xâm nhập, vi khuẩn có thể gây ngộ độc hàng loạt, nhất là ở các bếp ăn tập thể, các khu lễ hội, đám cưới, đám giỗ, các quán phục vụ tại chợ, vỉa hè. Có thể làm bùng phát thành các vụ dịch nguy hiểm gây tổn hại đến sức khoẻ cộng đồng trầm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và thiệt hại kinh tế to lớn.
* Loại thực phẩm nào gây ngộ độc Botulinum
- Thực phẩm gây ngộ độc Botulinum có thể gặp thường xuyên nhất là thịt hộp. Ngoài ra, thống kê các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ
quả, hải sản,… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ,…) cùng môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc. Đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo.
- Ngoài ra, các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc.
- Ngày nay, xu hướng ngộ độc Botulinum tăng lên còn do: trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm ( còn gọi là túi hút chân không ), bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun không đủ chín trước khi ăn.
* Triệu chứng nghi ngờ ngộ độc Botulinum
- Người bị ngộ độc Botulinum triệu chứng thường khởi phát sau 12-36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6-8 ngày sau ăn.
- Thực tế chứng minh, thời gian vừa qua đã có nhiều bệnh nhân ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum phải điều trị tại các bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện trong toàn quốc với triệu chứng buồn nôn, nôn, sụp mi mắt, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, thở yếu, sau đó yếu cơ và liệt tứ chi.
- Các triệu chứng về tiêu hóa thường xuất hiện sớm như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón. Tiếp đó là các triệu chứng về thần kinh và bệnh nhân sẽ rơi và tình trạng hôn mê, tử vong.
* Cách phòng ngộ độc do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum
- Khi chọn các sản phẩm đóng gói sẵn cần chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua không còn vị chua bình thường).
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không
phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).
- Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ.
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…) phải được bảo quản cận thận, tốt nhất là hạn chế sử dụng.
Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nói chung, hạn chế các bệnh do ăn uống, người tiêu dùng cần thực hiện một số hướng dẫn chủ yếu sau:
1. Lựa chọn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, còn tươi, vẫn giữ được trạng thái vốn có của nó; để cách ly nguyên liệu, thực phẩm tươi sống với thức ăn đã nấu chín.
2. Giữ vệ sinh bàn tay và dụng cụ ăn uống, rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống (cá, trứng, thịt gia cầm, gia súc và phủ tạng).
3. Ăn chín, uống sôi, bảo quản hợp vệ sinh an toàn, không ăn tiết canh, thịt tái, cá gỏi, trứng chưa nấu chín; rửa sạch rau quả dưới vòi nước trước khi sử dụng, không ăn các loại nấm lạ hoặc các loại thực phẩm đã có lần gây dị ứng.
4. Những người đã sử dụng cần theo dõi sức khỏe, nếu có xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bị ngộ độc kể trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.