TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÒNG, CHỐNG VIÊM GAN

1. Bệnh viêm gan virus B, C là gì?

           Gan đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, giúp chúng ta sống khoẻ mạnh mỗi ngày. Tại Việt Nam, cứ 100 người thì có khoảng 10 người mắc viêm gan B hoặc C. Hiện viêm gan B và C đã có thể điều trị một cách hiệu quả nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị. 

Viêm gan B là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan B gây ra. Viêm gan C là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan C gây ra. Virus viêm gan B và C đều có thể gây bệnh lý cấp tính và mạn tính. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, viêm gan B và C sẽ tiến triển đến xơ gan, suy gan, ung thư gan và tử vong.

Người mắc viêm gan virus B hay C không phải lúc nào cũng có biểu hiện bệnh; nhiều người sống với viêm gan B, C trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì. Khi có biểu hiện bệnh như mệt mỏi; chán ăn; vàng da; vàng mắt; đau tức bụng ; nôn mửa,; phân nhạt màu;... thì thường bệnh đã tiến triển nặng.

Cần sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm viêm gan virus B, C để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Hãy chủ động đi xét nghiệm viêm gan B và C tại các cơ sở Y tế gần nhất.

2. Viêm gan B, C lây truyền như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu viêm gan B và C KHÔNG lây truyền qua nước bọt, đồ ăn, tiếp xúc tay hay sữa mẹ. Điều này có nghĩa là virus viêm gan B và C không lây truyền qua các hoạt động xã hội thường ngày như ôm hôn, ăn uống chung. Như vậy, người có viêm gan B, C có thể sống an toànvới gia đình họ và mẹ mắc viêm gan B hoặc C vẫn có thể cho con bú an toàn.  

Virus viêm gan B và C có trong máu và dịch sinh dục, nghĩa là Bệnh viêm gan B, C lây qua đường máu, bao gồm lây từ mẹ sang con khi sinh, và lây qua quan hệ tình dục. 

Viêm gan B chủ yếu lây truyền từ mẹ sang con; mẹ mắc viêm gan B có nguy cơ cao đến 90% truyền cho con nếu mẹ không biết mình bị mắc để phòng tránh. Từ đó, 9/10 trẻ mắc viêm gan B từ mẹ sẽ mang virus suốt đời và có nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan, làm giảm tuổi thọ đáng kể. 

Viêm gan B có thể lây truyền cho vợ/chồng/bạn tình thông qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc hậu môn. 

Nguy cơ lây truyền viêm gan B qua đường máu cũng rất cao khi dùng chung dụng cụ tiêm truyền, bị các vật sắc nhọn nhiễm máu của người có Viêm gan Bđâm; hoặc dùng chung các dụng cụ có thể nhiễm máu của người Viêm gan B như dao cạo, bàn chải răng. 

Những người chưa tiêm vắc xin phòng viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người đã được tiêm phòng.

Viêm gan B KHÔNG PHẢI là bệnh di truyền, nhưng do các đặc điểm lây truyền từ mẹ sang con, qua QHTD, và lây qua đường máu, mắcViêm gan Bcó xu hướng tập trung vào các gia đình; ví dụ mẹ và các con cùng mắc, anh chị em đều mắc do lây truyền từ mẹ, vợ chồng cùng mắc. Có gia đình khi có người xơ gan do Viêm gan Bmới phát hiện ra những người khác cũng mắc Viêm gan B. 

Còn viêm gan C chủ yếu lây qua đường máu như dùng chung dụng cụ tiêm truyền, truyền máu và chế phẩm máu trước năm 1990 (khi máu không được sàng lọc viêm gan C), sử dụng chung dao cạo và bàn chải răng và lây qua quan hệ tình dục đường hậu môn. Như vậy Viêm gan C phổ biến ở nhóm những người sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác; nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình; người được truyền máu và chế phẩm máu trước năm 1990.

3. Tại sao cần phát hiện sớm bệnh viêm gan virus B, C?

Bệnh viêm gan virus B và C do virus viêm gan B và C gây nên. Viêm gan là “căn bệnh thầm lặng” vì nhiều người có thể sống  trong nhiều năm mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, theo thời gian virus  tiếp tục phá huỷ gan, dẫn đến xơ gan, suy giảm chức năng gan, ung thư gan và tử vong. 

Viêm gan B và C  có thể  lây truyền  qua đường máu và quan hệ tình dục. Đối với người mẹ mang thai mắc viêm gan B  có thể lây từ mẹ sang con khi sinh, con có nguy cơ mắc viêm gan B mạn tính (suốt đời). Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới và đứng hàng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số người mắc và tử vong do ung thư gan.

Xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh viêm gan B và C có ích cho bạn, gia đình bạn và mọi người trong cộng đồng.  Nếu bạn không mắc thì có các biện pháp phòng ngừa; nếu mắc viêm gan B, C thì cần điều trị sớm để khỏi bệnh hoặc ức chế virus để sống khoẻ mạnh và an toàn trong cộng đồng, tránh lây truyền cho người khác.  

          Bạn có thể bảo vệ gia đình bạn khỏi mắc viêm gan bằng cách phát hiện và điều trị bệnh trước khi lây truyền cho người khác.  

Xét nghiệm viêm gan B và C đơn giản, dễ dàng, và an toàn, có tại các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh và nhiều cơ sở y tế khác.

 4. Làm sao để biết một người có mắc viêm gan B hoặc C không?    

Muốn biết 1 người có mắc viêm gan B hay C không thìxét nghiệm máu là cách duy nhất:

  • Viêm gan B hoặc C có thể dễ dàng được phát hiện qua việc xét nghiệm test nhanh. 
  • Xét nghiệm viêm gan B hoặc C sẵn có tại các cơ sở y tế hoặc cộng đồng. Xét nghiệm Đơn giản; Nhanh; Chi phí thấp.
  • Sau xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ tư vấn cho bạnkết quả xét nghiệm:

+ Nếu Âm tính: Hiện tại bạn không mắc viêm gan B, C. Nếu chưa được tiêm vắc xin viêm gan B, nhân viên y tế sẽ tư vấn bạn tiêm phòng bệnh. 

+ Nếu Dương tính: Bạn đang có virus viêm gan B trong cơ thể hoặc đã từng tiếp xúc với virus viêm gan C. Nhân viên y tế sẽ giới thiệu bạn đến phòng khám viêm gan trong tỉnh để được tư vấn, điều trị sớm.

5. Ai cần xét nghiệm phát hiện viêm gan B, C?

Bất cứ ai trong cộng đồng cũng có thể mắc viêm gan B hoặc C. Mọi người dân đều nên xét nghiệm để biết tình trạng sức khoẻ của mình, đặc biệt với những người sinh trước năm 2003khi chưa có chương trình tiêm phòng viêm gan B, người cao tuổi, người có các bệnh sử về gan, phụ nữ có thai và những người có nguy cơ cao bao gồm người tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục không bảo vệ …Hiện nay, tại tỉnh Thái Bình đang có dự án tăng cường phát hiện và điều trị viêm gan B, C tại Bệnh viện đa khoa huyện. Mọi người hãy chủ động liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm viêm gan B và C.

6. Phòng ngừa viêm gan B, C bằng cách nào?

            Bệnh viêm gan B và C do virus viêm gan B và C gây bệnh lý cấp tính và mạn tính, nếu không được phát hiện và điều trị sớm và đúng cách, viêm gan B và C có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan dẫn đến tử vong.

Viêm gan B đã có vắc xin an toàn và hiệu quả cao nhưngviêm gan C thì chưa có vắc xin phòng bệnh.Một số phương pháp phòng lây truyền viêm gan B và C như sau:

Trẻ sơ sinh phải được tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24h sau sinh, bất kể mẹ có mắcviêm gan B hay không; tất cả trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B nên được tiêm thêm “globulin miễn dịch” giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ trước khi trưởng thành. Cách này rất hiệu quả và ngăn ngừa virus xâm nhập. 

Mọi người bất cứ độ tuổi nào mà chưa mắc viêm gan B và chưa tiêm phòng nên được tiêm vắc xin viêm gan B. 

Không dùng chung kim tiêm, không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay và kéo để tránh bị dính máu và làm lây lan virus. 

Nếu xăm hình hoặc xỏ khuyên, đảm bảo dụng cụ được khử khuẩn, vệ sinh phù hợp. 

Sử dụng bao cao su khi QHTD với nhiều bạn tình, với người viêm gan B, C hoặc với người không rõ tình trạng bệnh.

7. Tại sao phụ nữ mang thai cần xét nghiệm VIÊM GAN B?

VIÊM GAN B có nguy cơ lây truyền cao từ mẹ sang con; nguy cơ phụ thuộc vào lượng virus trong máu của mẹ; tỷ lệ lây truyền có thể lên tới 90%; người mẹ có viêm gan Bcũng có các biến chứng về gan trong thời gian mang thai  liên quan đến mắc viêm gan B, nguy cơ chảy máu và tử vong khi sinh.

Con nhiễm virus viêm gan B lúc sơ sinh có nguy cơ rất cao bị mắc suốt đời. Nếu không dự phòng phù hợp hoặc phát hiện sớm và điều trị, người mắc viêm gan B mạn tính có thể tiếp tục lây truyền cho cộng đồng và thế hệ sau.

Hiện nay, đã có các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con: điều trị kháng virus cho mẹ, tiêm phòng cho con. Tuy nhiên các can thiệp chỉ có hiệu quả nếu người phụ nữ biết tình trạng viêm gan B của mình và phải phát hiện sớm để đủ thời gian bảo vệ. Mắc viêm gan B thường không có biểu hiện và chỉ có thể được phát hiện qua xét nghiệm.

Để bảo vệ con em không mắc viêm gan B, tất cả phụ nữ mang thai cần xét nghiệm viêm gan B và thực hiện sớm nhất có thể.

8. Phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con như thế nào?

Viêm gan B có nguy cơ lây truyền cao từ mẹ sang con. hiện nay việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con có thể thực hiện rất hiệu quả như sau:

  • PNMT cần được xét nghiệm viêm gan B sớm trong thời gian mang thai.
  • PNMT có virus viêm gan B sẽ được xét nghiệm định lượng virus trong máu và xác định tình trạng bệnh lý gan. PNMT sẽ được chỉ định điều trị thuốc kháng virus nếu có VIÊM GAN B hoạt động hoặc có nguy cơ lây truyền cho con; thời gian điều trị cần kéo dài ít nhất 3 tháng để virus giảm xuống mức không còn nguy cơ lây truyền cho con
  • Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau sinh và tiêm thêm 2 mũi sau 1 và 6 tháng để có đủ miễn dịch bảo vệ.
  • Viêm gan B KHÔNG lây qua sữa mẹ. Cho con bú là an toàn với mẹ có viêm gan B và không gia tăng nguy cơ lây truyềnviêm gan B cho con.

9. Viêm gan B có điều trị được không?

Viêm gan B có thể được điều trị rất hiệu quả bằng thuốc kháng virus. Tất cả người được phát hiện có viêm gan B cần được khám, xét nghiệm và thăm dò để xác định sự cần thiết phải điều trị thuốc kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Điều trị đơn giản, uống mỗi ngày 1 viên. Các thuốc viêm gan B hiện có gồm Tenofovir, Entecavir, thuốc an toàn và ít tác dụng phụ.

Người có viêm gan B phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ định; thời gian uống thuốc thường kéo dài nhiều năm, có thể suốt đời, phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể đối với virus và tình trạng viêm của gan.Khi được điều trị, virus thường giảm xuống  sau 6-12 tháng; khi virus bị ức chế, tổn thương gan sẽ phục hồi dần; nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan sẽ giảm tối thiểu.

10. Người mắc viêm gan B được điều trị như thế nào?

Tất cả người được phát hiện có virus viêm gan B trong máu cần được khám, xét nghiệm và thăm dò để xác định sự cần thiết phải điều trị thuốc kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ.  Các xét nghiệm cần làm mục đích để:

  • Đánh giá tình trạng viêm của gan bằng làm xét nghiệm máu, siêu âm gan.
  • Đánh giá tình trạng hoạt động của virus bằng xét nghiệm đo nồng độ virus trong máu.
  • Bác sỹ sẽ chỉ định thuốc kháng virus như: Tenofovir, Entecavir, nếu người bệnh có bệnh gan tiến triển, men gan tăng, gan có tình trạng xơ hoặc một số yếu tố khác và dựa theo nồng độ virus trong máu.
  • Người mắc viêm gan B điều trị thuốc kháng virus cần uống thuốc đầy đủ, đến khám định kỳ để được theo dõi tình trạng bệnh, đáp ứng virus, và lĩnh thuốc. Điều trị có thể kéo dài nhiều năm hoặc suốt đời, theo tình trạng bệnh gan và đáp ứng với điều trị.
  • Người chưa được chỉ định điều trị thuốc kháng virus cũng cần được theo dõi định kỳ, ít nhất 3-6-12 tháng một lần để theo dõi tiến triển của bệnh viêm gan B và xác định sớm nhất thời điểm cần điều trị thuốc kháng virus.

11. Viêm gan C có điều trị được không?

Viêm gan C có thể điều trị rất hiệu quả bằng thuốc kháng virus và có thể khỏi chỉ sau 6 tuần. Các thuốc điều trị viêm gan C rất hiệu quả, an toàn và có ít tác dụng phụ. Khi dùng thuốc theo đúng chỉ định, tỉ lệ khỏi là gần 100%. 

Những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính đầu tiên cần làm xét nghiệm tải lượng virus để chỉ định điều trị. 

Phác đồ điều trị viêm gan C thường là dạng phối hợp 2 loại thuốc kháng virus viêm gan C có tác dụng trực tiếp lên virus trong tế bào gan. Người bệnh sẽ uống thuốc hàng ngày trong thời gian 3 tháng, hoặc 6 tháng tuỳ vào tình trạng nặng của bệnh gan. 

Nếu được phát hiện sớm và điều trị, người có viêm gan C có thể loại trừ được virus ra khỏi cơ thể. Gan có cơ hội hồi phục  nếu chưa bị tổn thương nặng; tổn thương gan đã tiến triển có thể cần nhiều thời gian để phục hồi; nguy cơ ung thư gan cũng giảm.  

Người có viêm gan C đồng mắc HIV điều trị viêm gan C tương tự như người không có HIV; hiệu quả điều trị cũng tương đương với người không có HIV.

12. Viêm gan B, C được điều trị ở đâu?

Hiện nay, việc điều trị viêm gan B, C đã có tại BV huyện. Người mắc Viêm gan B hoặc C được hưởng BHYT dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm và thuốc; chi trả theo quy định chung đối với bệnh viêm gan B, C.

13. Làm thế nào để sống khoẻ mạnh với viêm gan B, C?

Người bệnh mắc viêm gan B và C cần được tư vấn để có chế độ ăn uống, điều trị thuốc, tập luyện thể dục thể thao. Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có các biểu hiện bệnh như sốt, mệt mỏi, chán ăn, vàng da, phân bạc màu...

Viêm gan B, C sẽ tiến triển nhanh hơn đến xơ gan và ung thư gan nếu người mắc bệnh sử dụng rượu bia thường xuyên và hút thuốc lá.

Điều quan trọng nhất là người bệnh mắc viêm gan B và C phải đến Bệnh viện để khám viêm gan. Nếu có chỉ định điều trị, người mắc viêm gan B và C  phải uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, 

Người bệnh viêm gan B và C cần tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.

Đối với người bệnh viêm gan C, cần phòng tái mắc vì người bệnh đang điều trị vẫn có nguy cơ lây truyềnviêm gan C nếu dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không bảo vệ.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, người mắc viêm gan vẫn có thể tiếp tục học tập, làm việc và sống khoẻ mạnh.

Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý tốt cân nặng, hạn chế các tác nhân độc hại cho gan như hút thuốc lá, uống rượu bia và chất kích thích; khám sức khỏe định kỳ  cũng là phương pháp giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan virus B và C.

14. Người mắc VIÊM GAN B, C không có biểu hiện bệnh có thể trì hoãnđiều trị được không?

Viêm gan B, C phần lớn không có biểu hiện nhưng virus vẫn tiếp tục nhân bản và hủy hoại gan của những người mang virus viêm gan B và C. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tử vong do ung thư gan. 

Nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan cao nếu thời gian nhiễm virus kéo dài, lượng virus trong cơ thể cao, mắc thêm bệnh mãn tính, đồng nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch,... và có các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng đến bệnh nhân như: môi trường làm việc độc hại, hút thuốc lá, uống rượu bia, sức đề kháng yếu...

Ngay cả khi đã tiến triển thành xơ gan và ung thư gan, nhiều người bệnh cũng không có biểu hiện rõ rệt. Người bệnh sẽ không biết được tình trạng bệnh của mình nếu không được khám, xét nghiệm.

Điều trị thuốc kháng virus có hiệu quả tốt nhất khi gan còn chưa bị tổn thương nặng. Ngay cả khi virus bị loại trừ hoặc ức chế, các tổn thương gan nặng có thể không hoàn toàn phục hồi, nhất là tình trạng xơ gan; Người bệnh vẫn có nguy cơ tiến triển đến xơ gan giai đoạn nặng, kể cả ung thư gan.

Vì vậy, đừng trì hoãn, người đã được xác định là mang virus viêm gan B hoặc C  cần đến cơ sở Y tế  để được tư vấn, hướng dẫn và tuân thủ điều trị sớm, đạt hiệu quả cao nhất.

15. Nếu trong gia đình có người bị mắc viêm gan B, C, làm thế nào để phòng lây truyền cho các thành viên khác?

Những người mắc virus viêm gan B hoặc C có thể phòng lây truyền cho các thành viên khác trong gia đình bằng các biện pháp sau:

  • Khuyến khích tất cả các thành viên trong gia đình xét nghiệm và tiêm phòng vắc xin (viêm gan B) nếu chưa có miễn dịch.
  • Không dùng hoặc giảm  rượu bia và thuốc lá.
  • Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ.
  • Dùng bao cao su nếu vợ/chồng mắcviêm gan B hoặc C chưa được điều trị hoặc nếu người không mắcviêm gan B chưa được tiêm phòng/chưa có miễn dịch.
  • Không dùng chung dụng cụ có nguy cơ lây truyềnviêm gan B, C như dao cạo râu/cạo lông, bàn chải răng, bấm móng tay, kéo...)
  • Nếu phụ nữ mang thai mắcviêm gan B thì cần được đánh giá để điều trị để phòng lây sang con, bên cạnh đó, đảm bảo trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B ngay sau sinh và tiêm thêm “globulin miễn dịch”. 

 

Thông tin mới nhất
Đăng nhập